Có rất nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy thấy đau nhức khắp mình. Bệnh đau vai gáy thường gặp ở dân văn phòng, thợ may, bác sỹ đa khoa…có biểu hiện là đau tê dại vùng vai, gáy, nhiều khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi các cánh tay, cẳng tay và ngón tay. Triệu chứng này có thể trong nhiều ngày thậm chí trong nhiều tháng… Hội chứng đau vai gáy thông thường không nguy hiểm, song có thể gây ra nhiều lo lắng, khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh, làm giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân đau mỏi vai gáy:
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Các nguyên nhân thông thường nhất có thể kể đến như ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, ngồi làm việc liên tục với máy tính, sai tư thế khi lái xe, gối đầu, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem tivi…
– Ngồi trước quạt, máy lạnh (máy điều hoà) lâu, dầm mưa dãi nắng lâu, ra ngoài trời không đội mũ, nón để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào vùng gáy hoặc tắm rửa ban đêm,…
– Ngoài ra, hội chứng đau mỏi vai gáy còn có thể do các nguyên nhân bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ. Đôi khi đau vai gáy xuất hiện do hệ mạch bị chèn ép kém lưu thông máu.
– Người hay nằm nghiêng, co quắp, khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi oxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy.
– Người vận động nhiều, máu cung cấp đến vai gáy thiếu hoặc thay đổi thời tiết cũng làm đau mỏi vai gáy.
– Thông thường, từ tuổi trung niên trở đi, hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi nên hay mắc chứng đau cổ, vai, gáy nhất.
Các biểu hiện của bệnh đau mỏi vai gáy:
Các biểu hiện của hội chứng đau mỏi vai gáy thường gặp nhất là đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng cổ, gáy, cảm giác nhức nhối khó chịu, có khi đau nhói như điện giật. Đau có thể lan lên mang tai, thái dương hoặc lan xuống vai, cánh tay. Nhưng khác với bệnh viêm quanh khớp vai, người bệnh bị đau mỏi vai gáy không bị hạn chế vận động khớp.
Được chia thành 2 loại:
– Đau mỏi vai gáy cấp tính biểu hiện: Đau, mỏi vai gáy, cơ cổ co cứng, đầu cúi hoặc nghiêng sang một bên đều khó, không thể xoay tròn một cách tự do, muốn nhìn ra phía sau thì phải xoay toàn thân, khi cố gắng cúi xuống thì cơn đau mạnh lên và lan rộng, gặp lạnh thì càng đau nặng.
– Đau vai gáy mãn tính biểu hiện: Đau đầu, vùng vai và vùng sau gáy thường xuyên. Cơn đau có thể lan xuống hai bả vai gây cảm giác mỏi, tê dại hai cánh tay, cẳng tay hoặc cả bàn ngón tay.
Người mắc bệnh lâu ngày có các biến chứng thiểu năng tuần hoàn não: Hay bị nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, mắt nhìn mờ như ruồi bay, hay quên, dễ xúc động, mất ngủ, giấc ngủ không sâu, tư duy kém.
11 cách chữa đau mỏi cổ vai gáy tại nhà
Một số cách chữa đau mỏi cổ vai gáy tại nhà cũng cho thấy hiệu quả cải thiện đáng kể. Cụ thể như sau: (3)
1. Nghỉ ngơi thư giãn
Triệu chứng đau cổ vai gáy thường mang tính chất cơ học, cơn đau tăng lên khi vận động cột sống cổ, ngồi lâu, di chuyển cổ sai cách hoặc đi lại nhiều. Do đó, để giảm đa nhức, người bệnh nên tạm dừng công việc, hoạt động thay vào đó dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
2. Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi các tổn thương diễn ra thuận lợi hơn. Dưới đây là các nhóm thực phẩm quan trọng người bệnh cần bổ sung vào thực đơn hàng ngày để hỗ trợ điều trị đau vai gáy hiệu quả:
- Trái cây, rau củ quả giàu thành phần Vitamin C: Vitamin C thúc đẩy sản xuất Collagen để củng cố cấu trúc cơ, gân, xương giúp phục hồi mô tổn thương nhanh chóng. Thành phần này có nhiều trong các loại rau quả như: cam, quýt, bưởi, kiwi, xoài, đu đủ, bông cải xanh, ớt chuông…
- Trái cây, rau củ quả giàu thành phần Vitamin A: Vitamin A thúc đẩy sản xuất các tế bào bạch cầu trong máu để chống lại virus và tình trạng nhiễm trùng, từ đó tăng tốc độ hồi phục tổn thương. Nguồn cung cấp Vitamin A dồi dào bao gồm: hạt hướng dương, khoai lang, rau chân vịt, cà rốt…
- Thực phẩm giàu Canxi: Canxi đóng vai trò quan trọng đối với quá trình truyền tín hiệu thần kinh và co cơ. Với người bệnh bị đau vai gáy, việc bổ sung đầy đủ Canxi là thực sự cần thiết để đẩy nhanh thời gian phục hồi. Một số thực phẩm giàu thành phần dinh dưỡng này bao gồm: bông cải xanh, đậu bắp, sữa, đậu phụ, rong biển…
- Thực phẩm giàu Vitamin D: Vitamin D giúp quá trình hấp thụ Canxi của cơ thể diễn ra thuận lợi, đảm bảo đẩy nhanh thời gian phục hồi tổn thương và tăng cường sức mạnh cho dây chằng. Nguồn cung cấp Vitamin D dồi dào bao gồm: cá hồi, cá mòi, lòng đỏ trứng, nấm, ngũ cốc, sữa đậu nành…
- Thực phẩm giàu Protein: Protein hỗ trợ tăng cường sức mạnh và khối lượng cơ, có nhiều trong các loại đậu (đậu nành, đậu Hà Lan…), cá, thịt gia cầm…
3. Chườm lạnh
Nếu triệu chứng đau mỏi vai gáy kèm dấu hiệu căng cơ, sưng mô mềm, đây có thể xuất phát từ nguyên nhân chấn thương hoặc viêm. Lúc này, chườm lạnh là một giải pháp hữu ích người bệnh có thể áp dụng với tần suất từ 2 – 3 lần/ngày, 15 – 20 phút/lần.
4. Chườm nóng
Chườm nóng có tác dụng nới lỏng các cơ bị căng và thúc đẩy tuần hoàn máu. Đây cũng là cách chữa đau mỏi cổ vai gáy tại nhà đơn giản nhưng cho thấy khả năng giảm đau hiệu quả.
5. Các bài tập giãn cơ vùng cổ
Một số bài tập có tác dụng nới lỏng các cơ bị căng ở vùng cổ, giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động linh hoạt để tránh chấn thương tái phát. Người bệnh có thể tham khảo những gợi ý hữu ích như sau:
- Bài tập 1: Đưa cằm về phía trước rồi từ từ kéo về phía cổ họng và hơi chếch xuống, sau đó giữ nguyên cằm song song với sàn nhà, thực hiện tối đa 10 lần mỗi giờ.
- Bài tập 2: Đứng thẳng với tư thế hơi uốn cong lưng trên, sau đó cuộn vai lên, đưa xuống từ từ theo vòng tròn, thực hiện lặp lại động tác 10 lần và đổi hướng, xoay vai về phía trước 10 lần.
6. Giải tỏa căng thẳng
Khi tâm lý căng thẳng được giải tỏa, tình trạng căng cơ ở cổ và vai cũng được cải thiện đáng kể. Do đó, người bệnh có thể tìm đến các bài tập yoga, thiền… để thư giãn.
7. Tư thế ngủ
Tư thế ngủ không đúng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng đau vai gáy thường gặp. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên cân nhắc một số tư thế ngủ cho người đau vai gáy sau:
- Nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng khi ngủ, tránh tư thế nằm sấp vì sẽ gây áp lực cho vùng cổ vai gáy.
- Lựa chọn gối kê có độ cao, độ mềm phù hợp, tốt nhất là có thể giữ đầu ngang với cổ.
- Chọn nệm có độ đàn hồi tốt để nâng đỡ cơ thể, tránh nằm nệm quá mềm vì sẽ khiến tình trạng đau vai gáy trở nên trầm trọng hơn.
8. Uống đủ nước
Đây là thói quen tốt, giúp thúc đẩy lưu thông máu diễn ra thuận lợi đồng thời cấp nước cho đĩa đệm (phần nằm giữa các đốt sống cổ) trở nên chắc khỏe và dẻo dai. Vậy nên, mỗi ngày, người bệnh cần bổ sung đủ từ 2 – 2,5 lít nước để hỗ trợ cải thiện đau nhức hiệu quả.
9. Điều trị bằng thuốc
Người bệnh có thể cân nhắc cách chữa đau mỏi cổ vai gáy tại nhà bằng thuốc giảm đau không kê đơn nếu các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả. Loại phổ biến nhất là OTC như Ibuprofen (Advil, Motrin), Naproxen (Aleve) và Acetaminophen (Tylenol). Mặc dù không cần toa nhưng những thuốc này vẫn có tác dụng phụ đi kèm. Vì vậy, trước khi dùng, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để hạn chế tối đa các vấn đề không mong muốn.
10. Cải thiện môi trường làm việc
Công việc văn phòng liên tục ngồi một chỗ, thao tác với máy tính trong nhiều giờ cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau mỏi vai gáy. Dưới đây là một số giải pháp hữu ích để cải thiện tình trạng này:
- Điều chỉnh ghế ở tư thế thoải mái, hai chân đặt lên sàn và giữ đầu gối thấp hơn hông.
- Tay đặt ngang với bàn làm việc để giảm áp lực đè nén lên cột sống, gân, cơ, khớp vùng cổ vai gáy.
11. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu cũng là giải pháp điều trị hữu ích đối với tình trạng đau mỏi cổ vai gáy thường gặp. Các bài tập sẽ đem đến tác dụng giảm căng thẳng, tăng cường sức mạnh cơ bắp cho khu vực bị tổn thương, từ đó giúp cải thiện triệu chứng đau và hạn chế tái phát.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Hãy tham khảo thêm ý kiến của y, bác sĩ hoặc người có chuyên môn.