Trong những ngày gần đây, thời tiết chuyển giao thất thường, cùng với bầu không khí ô nhiễm ở các khu dân cư đông đúc khiến số người mắc phải các bệnh lý về tai, mũi, họng, đặc biệt là bệnh “Viêm mũi dị ứng” ngày càng tăng và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh lý tai – mũi – họng phổ biến nhất hiện nay. Những triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi… tưởng chừng như đơn giản nhưng lại kéo dài dai dẳng, gây khó chịu, mệt mỏi, giảm năng suất học tập và làm việc. Trong nhiều trường hợp, viêm mũi dị ứng có thể chuyển biến thành mãn tính, dẫn đến biến chứng nặng hơn như viêm xoang, viêm họng, hen suyễn.
Nguyên nhân chính của viêm mũi dị ứng là do sự phản ứng thái quá của hệ miễn dịch trước các tác nhân từ môi trường bên ngoài. Vì vậy, việc phòng tránh và kiểm soát các tác nhân gây dị ứng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Các tác nhân gây viêm mũi dị ứng thường gặp
- Bụi nhà và mạt bụi
Đây là tác nhân hàng đầu gây viêm mũi dị ứng. Trong bụi nhà có thể chứa các mảnh vụn da, lông động vật, phấn hoa, vi khuẩn và đặc biệt là mạt bụi nhà – sinh vật siêu nhỏ sống trong đệm, chăn, rèm cửa.
- Phấn hoa
Mỗi độ xuân về, không khí ngập tràn phấn hoa từ cây cỏ, hoa dại. Đây là thời điểm các ca viêm mũi dị ứng tăng đột biến.
- Nấm mốc
Nấm mốc sinh sôi ở nơi ẩm thấp, ít ánh sáng như nhà vệ sinh, tường nhà, điều hòa… là yếu tố dễ bị bỏ qua nhưng rất nguy hiểm với người có cơ địa dị ứng.
- Lông thú nuôi
Dù không trực tiếp gây bệnh, nhưng protein trong nước bọt, mồ hôi, lông rụng của chó mèo… lại là “thủ phạm” gây phản ứng dị ứng.
- Ô nhiễm không khí, khói thuốc lá
Không khí ô nhiễm không chỉ là nguyên nhân gây các bệnh hô hấp mà còn khiến triệu chứng viêm mũi dị ứng nghiêm trọng hơn.
Biện pháp phòng tránh tác nhân gây viêm mũi dị ứng
Để kiểm soát và hạn chế tối đa nguy cơ mắc hoặc tái phát viêm mũi dị ứng, bạn cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng
Thường xuyên lau dọn sàn nhà, bề mặt đồ đạc bằng khăn ẩm để hạn chế bụi bay.
Giặt chăn ga, gối đệm ít nhất 1 tuần/lần, nên phơi ngoài nắng.
Hạn chế sử dụng thảm trải sàn, rèm vải dày – môi trường sống lý tưởng của mạt bụi.
Đảm bảo nhà cửa thông gió, khô ráo để tránh nấm mốc phát triển.
- Tránh tiếp xúc với phấn hoa và không khí ô nhiễm
Khi ra ngoài vào mùa có nhiều phấn hoa, nên đeo khẩu trang đạt chuẩn, tránh tiếp xúc trực tiếp với cây cỏ.
Sử dụng máy lọc không khí trong phòng làm việc, phòng ngủ để loại bỏ các hạt gây dị ứng.
Tránh đi đường vào giờ cao điểm, nơi có nhiều khói xe, công trình xây dựng.
- Hạn chế nuôi thú cưng nếu có cơ địa dị ứng
Nếu vẫn muốn nuôi, cần vệ sinh thú cưng thường xuyên, không để chúng vào phòng ngủ.
Dọn sạch lông rụng, không để vật dụng của thú ở gần chăn ga gối.
Tắm cho thú định kỳ để giảm lượng protein gây dị ứng bám trên lông.
- Cải thiện sức đề kháng
Tăng cường luyện tập thể thao, ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin C, omega-3 giúp ổn định miễn dịch.
Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thư giãn, tránh stress kéo dài.
- Điều trị đúng cách khi có dấu hiệu dị ứng
Không nên tự ý dùng thuốc nhỏ mũi chứa corticoid dài ngày nếu không có chỉ định.
Có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi mỗi ngày.
Thăm khám bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng để xác định chính xác dị nguyên, điều trị đúng hướng.