Cách phòng khản tiếng như nào khi trời trở lạnh
Khản tiếng xảy ra chủ yếu do tình trạng viêm thanh quản, nếu không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến mạn tính, hoặc một số biến chứng khác. Viêm thanh quản thường xuất hiện khi giao mùa, thời tiết giá lạnh, hoặc ngồi nhiều trong phòng điều hòa.
— —> Khản tiếng ở trẻ nhỏ chớ coi thường
Khi độ ẩm môi trường thấp, trời lạnh và không khí khô hanh, virus gây viêm thanh quản sẽ sống lâu hơn so với không khí nóng, ẩm ướt của mùa hè. Ngoài ra, thời tiết lạnh thường làm chất dịch nhầy trong mũi, họng, thanh quản trở nên khô hơn, khiến cơ thể khó loại bỏ các vi khuẩn xâm nhập.
Tình trạng khản tiếng do viêm thanh quản còn liên quan tới nhiều yếu tố như: thời gian làm việc của thanh quản kéo dài, cường độ lớn (tính chất công việc phải nói to, nói nhiều), thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia… Bên cạnh đó, những người làm việc trong môi trường bụi bẩn, độc hại… cũng dễ mắc bệnh.
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bị viêm thanh quản cấp do nhiễm vi khuẩn, có thể dùng kháng sinh toàn thân, thuốc giảm viêm, giảm phù nề, giữ ấm, chườm nóng vùng cổ, kiêng nói hoàn toàn trong 3 ngày. Nếu bị viêm thanh quản mãn tính (do làm nghề phải nói to, nói nhiều…), cần chú trọng nghỉ ngơi, hạn chế nói. Trường hợp hạt xơ, polyp, u nang dây thanh có thể được bác sĩ chỉ định phẫu thuật để bóc tách phần niêm mạc dày cứng của dây thanh.
Để phòng ngừa khản tiếng, mất tiếng do viêm thanh quản khi trời lạnh, mọi người cần lưu ý giữ ấm vùng cổ, ngực, hạn chế uống đồ lạnh hoặc ngồi điều hòa quá nhiều, đồng thời kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
— —> Chữa khản tiếng bằng thảo dược thiên nhiên
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Hãy tham khảo thêm ý kiến của y, bác sĩ hoặc người có chuyên môn.