Nguy hiểm do viêm phế quản cấp

Yếu tố nguy cơ gây viêm phế quản là gì ?

Tác nhân gây viêm phế quản cấp thường do: virut và nhóm vi khuẩn không điển hình gây ra 50 – 90% các trường hợp bệnh. Thường gặp là các virut : Rhino, Echo, Adeno, Myxo, Influenza và Herpes. Riêng ở trẻ em hay gặp virut hợp bào hô hấp và virut á cúm. Vi khuẩn không điển hình gây bệnh hay gặp là Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia. Các vi khuẩn điển hình gây bệnh thường do viêm lan từ đường hô hấp trên xuống phế quản gồm: liên cầu, phế cầu, Heamophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, những vi khuẩn này thường gây bội nhiễm sau nhiễm virut. viêm phế quản cấp cũng hay gặp sau khi cơ thể bị các bệnh: sởi, thuỷ đậu, ho gà, thương hàn, bạch hầu.

Các yếu tố hoá, lý tạo nguy cơ viêm phế quản là: khí độc clo, amoniac, bụi bẩn, khói thuốc lá, không khí quá khô hoặc ẩm, lạnh, quá nóng, thay đổi thời tiết, bị nhiễm lạnh, thể lực yếu, mắc bệnh đường hô hấp trên; trẻ em, người lớn bị dị ứng nặng nổi mề đay. 

Dấu hiệu để phát hiện bệnh

Bệnh viêm phế quản cấp thường xuất hiện cùng lúc hoặc ngay sau khi bị viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ho khan, rát họng. Diễn tiến bệnh viêm phế quản cấp thường qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài 3 – 4 ngày (còn gọi là giai đoạn viêm khô), bệnh nhân có các triệu chứng: sốt 38 – 390C, 400C, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức xương khớp, có thể thấy cảm giác nóng rát sau xương ức. Khó thở nhẹ, có thể có tiếng rít, ho khan, ho thành cơn về đêm. Nghe phổi có ran rít, ran ngáy. Giai đoạn 2 thời gian từ 6 – 8 ngày, còn gọi là giai đoạn xuất tiết, các triệu chứng ở giai đoạn đầu giảm, bệnh nhân ho khạc đờm nhầy hoặc đờm mủ. Nghe phổi có ran ẩm. Bệnh có thể biểu hiện bằng các thể bệnh: viêm phế quản xuất huyết thường ho ra máu với số lượng ít lẫn đờm. Khi đó cần chẩn đoán phân biệt với ung thư phổi ở người trên 40 tuổi có hút thuốc lá. viêm phế quản cấp thể tái diễn thường kèm theo các yếu tố thuận lợi như hút thuốc lá, hít phải khí độc. Bệnh nhân bị tắc nghẽn phế quản như dị vật đường thở ở trẻ em, ung thư phế quản ở người lớn, các ổ nhiễm khuẩn ở răng miệng, tai mũi họng, suy tim trái, trào ngược dạ dày-thực quản, hen phế quản, xơ phổi kén, suy giảm miễn dịch. viêm phế quản co thắt hay gặp ở trẻ em và người trẻ. Viêm khí – phế quản cấp có giả mạc gặp ở bệnh bạch hầu.

Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng khi có bội nhiễm, hoặc giảm nếu do virut gây bệnh. Xét nghiệm đờm: có nhiều xác bạch cầu đa nhân trung tính. Cấy đờm thường có tạp khuẩn, loại vi khuẩn gây bệnh. Chụp Xquang phổi có thể thấy rốn phổi đậm.

Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh: viêm họng cấp thì có sốt, ho, nhưng nghe phổi bình thường, Xquang phổi bình thường. Các bệnh phổi và phế quản khác: hen phế quản, ung thư phế quản, phế quản phế viêm, viêm phổi virut… Bệnh giãn phế quản có ho khạc đờm kéo dài mạn tính, có thể có ngón tay dùi trống. Chụp cắt lớp vi tính thấy giãn phế quản. Bệnh viêm phế quản mạn tính, bệnh nhân ho khạc đờm kéo dài mạn tính 3 tháng trên một năm, trong 2 năm liền trở lên. Bệnh viêm phổi do vi khuẩn, bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, hội chứng đông đặc, chụp Xquang có tổn thương nhu mô phổi.

Viêm phế quản cấp thường diễn biến lành tính. Ở người khoẻ mạnh thường tự khỏi sau 2 tuần điều trị, không để lại di chứng gì. Nhưng ở người nghiện thuốc lá, hay gặp bội nhiễm và ho khạc đờm kéo dài. Bệnh có thể có các biến chứng: viêm phổi, phế quản phế viêm thường xảy ra ở người già và trẻ em suy dinh dưỡng. Tăng tính phản ứng của phế quản với thời tiết lạnh, không khí bị ô nhiễm bởi khói và bụi , kéo dài vài tuần sau viêm phế quản cấp, với các triệu chứng ho khan kéo dài hàng tuần lễ.

Chữa trị và phòng bệnh

Điều trị viêm phế quản cấp phải sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm hoặc người có nguy cơ biến chứng. Thuốc có thể dùng là: amoxicilin, erythromyxin, cephalexin. Chống co thắt phế quản dùng thuốc theophylin, salbutamol. Thuốc an thần, kháng histamin. Có thể dùng prednisolon đối với các trường hợp ho kéo dài có co thắt phế quản thời gian ngắn từ 5 – 10 ngày. Bệnh nhân ho khan cần dùng thuốc giảm ho như tecpin-codein, paxeladine. Giai đoạn ho khạc đờm dùng thuốc long đờm.

Phòng bệnh cần giữ ấm, tránh bị nhiễm lạnh, tránh hít thở phải bụi bẩn, khói, hơi khí độc. Tránh các thức ăn hay thuốc gây dị ứng. Bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với các tác nhân lý, hoá gây độc.

Theo Benhhoc.vn

[]

ĐẶT SẢN PHẨM NGAY

Số lượng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0969771256