Vẫn theo WHO, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trên thế giới: hơn một nửa đàn ông ở tuổi trưởng thành hút thuốc lá, và phần lớn bắt đầu hút thuốc từ rất trẻ: 13-15 tuổi. Theo một nghiên cứu của Trường Y tế cộng đồng Hà Nội, thì chi phi cho các căn bệnh do hút thuốc lên tới hơn 75 triệu đô la mỗi năm.
Việc sản xuất thuốc lá đã gia tăng trong những năm qua, cho tới năm 2006 khi Việt Nam áp dụng tỉ lệ đánh thuế mới đối với ngành sản xuất thuốc lá. Tuy nhiên mức thuế hiện hành chỉ chiếm khoảng 45% giá bán lẻ – một tỉ lệ còn thấp so với khuyến cáo của Ngân hàng thế giới là nên từ 66%-80%. Trong khi đó chi tiêu vào thuốc lá ở các gia đình nghèo có người hút thuốc cao hơn so với chi tiêu cho giáo dục và y tế (số liệu từ nghiên cứu của nhóm Hoàng Văn Kính, 2006).
Theo Tổ chức Y tế thế giới thì chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc phòng chống hút thuốc như đã đưa ra Chính sách Kiểm soát Thuốc lá Quốc gia và thành lập Ủy ban liên bộ chuyên trách về Thuốc lá và Sức khỏe Việt Nam (VINACOSH) năm 2001. Tháng 12/2004 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của WHO về Kiểm soát thuốc lá và Công ước này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17/3/2005.
Hút thuốc bị động
Gần đây Việt Nam cũng đã thực hiện quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng nhưng cho tới nay con số người bị phạt vì vi phạm quy định này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn một nửa những người không hút thuốc cho biết họ thường xuyên bị hít khói thuốc do người khác hút (số liệu từ nghiên cứu của nhóm Đào Ngọc Phong năm 2001) và 65% những người hút thuốc thì nói rằng họ hút tại công sở và tại 90% nói “đôi khi” hút tại nhà (số liệu từ nghiên cứu của nhóm Nguyễn Khắc Hải, 2005).
Tiến sĩ Shin Young-soo, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, được Yahoo News trích thuật, nói gần 50% nam giới trong vùng hút thuốc lá, và 50% phụ nữ và trẻ em bị hít khói thuốc, tức khoảng 900 triệu người thường xuyên bị tiếp xúc với khói thuốc và có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan tới hút thuốc.
“Nó không chỉ có ảnh hưởng quan trọng tới sức khỏe mà còn với kinh tế của các quốc gia,” ông nói. WHO kêu gọi các chính phủ trong vùng Nam cần có các biện pháp ngăn ngừa tình trạng chết trẻ vì các căn bệnh liên quan tới hút thuốc lá. Báo Tiền Phong Online trích dẫn điều tra mới đây của Viện Chiến lược chính sách y tế thì 33 triệu người đang chịu tình trạng hút thuốc bị động.
Mới đây Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại một hội nghị duyệt xét lại Chiến lược Phòng chống thuốc lá quốc gia 2000-10 ở Hà Nội đã kêu gọi cần tăng cường giáo dục về tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc bị động.
Ông cũng thúc giục các Bộ ngành giúp sức trong việc cấm hút thuốc tại trường học, phạt nặng các trường hợp vi phạm quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Dự kiến Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2012.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Hãy tham khảo thêm ý kiến của y, bác sĩ hoặc người có chuyên môn.