HOÀNG BÁ
(Vị thuốc trung phẩm trong Thần nông bản thảo kinh)
Giải thích tên gọi Nghiệt mộc (hoàng bá)
Tên thường gọi: Hoàng bá, Nghiệt Bì (Thương Hàn Luận), Nghiệt Mộc (Bản Kinh), Hoàng Nghiệt (Bản Thảo Kinh Tập Chú), Sơn Đồ (Hòa Hán Dược Khảo). Tên khoa học: Phellodendron chinensis Schneid. Họ khoa học: Thuộc họ Cam (Rutaceae).
Đặc tính của Nghiệt mộc (hoàng bá)
Nghiệt mộc vị đắng, tính hàn. Chủ trị các chứng bệnh do tà nhiệt tích tụ trong ngũ tạng và tràng vị gây nên, như nhiệt tích tụ gây ra chứng đau bụng, táo bón… Có thể điều trị chứng bệnh hoàng đản, trĩ, tiêu chảy và kinh nguyệt không đều. Đồng thời còn có thể chữa các chứng bệnh viêm nhiễm phụ khoa như lở loét bộ phận sinh dục ở nữ giới.
Nghiệt mộc là dược liệu vị đắng, tính hàn, vì có công dụng thanh nhiệt, táo thấp, hạ hỏa, giải độc. Trong cuốn Bản thảo cương mục có ghi: Nghiệt mộc có 6 công hiệu: một là hạ hỏa bàng quang, hai là thông tiểu tiện, ba là tiêu trừ phù nề ẩm thấp ở hạ tiêu, bốn là cầm chứng kiết lỵ ra máu, năm là tiêu trừ các chứng đau ở rốn, sáu là bổ thận tráng cốt tủy. Các bệnh như thận và bàng quang ít nước, chân và đầu gối tê mỏi đều có thể uống canh nghiệt mộc giúp cho 2 chân và đầu gối vận động bình thường, tứ chi khỏe mạnh. Cho nên nó được coi là phương thuốc hữu hiệu để chữa bệnh bại liệt.
Nghiệt mộc khí vị nồng, tính chất lắng đọng, là phương thuốc hiệu quả để xóa bỏ căn bệnh thấp nhiệt ở hạ tiêu gây nên, cho nên nó có công dụng trong chữa trị các bệnh như: tiêu chảy, trĩ, ra máu âm đạo không trong kỳ kinh, ra khí hư bất thường, lở loét, viêm ngứa ngoài âm đạo. Nghiệt mộc vị đắng, tính hàn nhưng không độc, cho nên có thể thanh nhiệt, điều tiết tà nhiệt tích tụ trong ngũ tạng và tràng vị, từ đó có thể điều trị thấp nhiệt, bệnh hoàng đản do nhiệt tích tụ trong gan và bệnh tiêu chảy, kiết lỵ. Vì nghiệt mộc quy về thận kinh, cho nên có công dụng chế hỏa bổ thận, có thể chữa các chứng bệnh âm suy và nội nhiệt. Ngoài ra, vì nghiệt mộc có công dụng thanh nhiệt giải độc nên có thể chữa được các bệnh như mụn nhọt, mụn đầu đinh, bệnh lên đơn, bỏng…
Trong lâm sàng, nghiệt mộc còn có những cách dùng khác nhau như: thanh nhiệt, táo thấp chủ yếu dùng sinh nghiệt mộc; làm kiện thận bằng cách xào nghiệt mộc với muối; trị đại tiểu tiện ra máu bằng cách dùng nghiệt mộc đốt thành tro. Khi uống nên kết hợp với các vị thuốc khác như: hoàng liên, chi tử; dùng bên ngoài thì đa phần nghiền nhỏ trộn với mật lợn bôi ngoài. Y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh, nghiệt mộc còn có công dụng kháng khuẩn, tiêu diệt các loại nấm trên da; đồng thời còn có thể hạ huyết áp, hạ đường huyết, lợi mật, bảo vệ tiểu cầm, hạ sốt, dãn nở huyết quản, lợi niệu và có tác dụng ức chế hệ thống trung khu thần kinh.
Khái quát công dụng nghiệt mộc (hoàng bá)
– Có công dụng kháng khuẩn, tiêu diệt các loại nấm trên da, đồng thời còn có thể hạ huyết áp. hạ đường huyết, lợi mật, lợi niệu, bảo vệ tiểu cầu, hạ sốt, dãn nở huyết quản và có tác dụng ức chế hệ thống trung khu thần kinh.
– Chuyên trị căn bệnh thấp nhiệt ở hạ tiêu như: Tiêu chảy, trĩ, ra máu âm đạo không trong kỳ kinh, ra khí hư bất thường, lở loét ngứa ngoài âm đạo.
– Có thể trị các bệnh như sưng nhọt mụn đầu đinh, đan độc, bỏng…
– Có công dụng thanh nhiệt, táo thấp, tiêu chảy, tả hỏa. giải độc
– Có công dụng chế hỏa bổ thận, có thể điều trị các chứng bệnh âm suy nôi nhiệt, đổ mồ hôi trộm, di tinh và nhu cầu tình dục cao mà gây ra xung mạch.
Phương thuốc trị liệu của nghiệt mộc (tham khảo)
Trị nóng trong, tiêu chảy ở trẻ nhỏ: lấy nghiệt mộc bỏ vỏ, sấy khô nghiền nhỏ, cho thêm nước gạo trộn đều rồi nặn thành viên bằng hạt ngô, mỗi lần uống 10-20 viên.
Trị chứng tích nhiệt, mộng di (tinh thần hoảng loạn, nóng trong cơ hoành): nghiệt mộc vụn 31g, phiến não 3g. Hỗn hợp trên trộn với mật ong nặn thành viên bằng hạt ngô, mỗi lần uống 15 viên với canh mạch môn đông.
Tiêu khát, ăn nhiều, đi tiểu nhiều: nghiệt mộc 500g, cho thêm 1l nước, đun sôi vài lần, mỗi khi khát lấy ra uống, vài ngày sẽ thấy hiệu quả.
Trị hoa mắt: mỗi sáng sớm ngậm 1 viên nghiệt mộc, nhổ nước miếng rửa mắt. Làm vài lần, chứng hoa mắt sẽ khỏi.
Trị nhiệt miệng: cho nghiệt mộc vào trong miệng ngậm. Cách khác: hoàng bá, tế tân, mỗi loại một ít nghiền nhỏ, bôi lên vết loét. Cũng có thể dùng hoàng bá, gừng tươi mỗi loại một ít, nghiền nhỏ bôi lên vết loét.
Trị lở loét mũi: nghiệt mộc, cau, mỗi loại một ít nghiền nhỏ, trộn thêm mỡ lợn bôi lên trên vết lở loét.
Trị lở loét môi: nghiệt mộc nghiền nhỏ, trộn thêm nước rễ tường vi, bôi lên chỗ môi lở loét.
Nguồn: Thần Nông bản thảo kinh