NGÔ THÙ DU
(Vị thuốc trung phẩm trong Thần nông bản thảo kinh)
Giải thích tên gọi Ngô Thù Du
Ngô thù du dùng làm thuốc là loại quả chín phơi khô của cây thù du thuộc họ cam quýt. Tháng 3 thường nở hoa nhỏ có màu hồng tím; tháng 7-8 sẽ ra quả giống như hạt hoa tiêu, quả non có màu vàng nhạt, khi chín sẽ chuyển thành màu tím đậm.
Đặc tính của Ngô thù du
Ngô thù du vị cay, tính ôn. Có thể bổ trung khí, hạ khí, giảm đau, trị các bệnh ho, hen suyễn, phát sốt, sợ lạnh; đồng thời còn có thể tiêu trừ phong thấp, làm tiêu tan máu đông, giúp da cơ được thư giãn. Rễ của nó còn là phương thuốc tốt có thể tiêu diệt các loại ký sinh trùng.
Đất nước Trung Hoa có tập tục vào ngày tết Trùng dương mùng 9 tháng 9, người ta cài ngô thù du lên đầu để tránh tà. Tục này được bắt nguồn từ một câu chuyện được ghi trong cuốn Phong thổ ký: Truyền thuyết kể về Hoàn Cảnh là người Nhữ Nam, học đạo cùng Phí Trường Phòng. Một ngày, Trường Phòng nói với Hoàn Cảnh rằng, ngày mùng 9, tháng 9 ở nhà sẽ có nạn lớn và khuyên anh ta trở về ngay. Đến ngày đó mỗi người làm một cái túi bằng vải đỏ, bên trong có đựng ngô thù du rồi buộc lên vai, sau đó đến một nơi thật cao rồi uống rượu hoa cúc, như vậy tai ương sẽ biến mất. Hoàn Cảnh làm theo lời căn dặn của Phí Trường Phòng, ngày mùng 9, tháng 9 dẫn cả nhà lên núi cao uống rượu hoa cúc. Lúc sẩm tối về nhà, Hoàn Cảnh và mọi người trong nhà đều ngạc nhiên khi nhìn thấy gà, chó, bò, dê tự nhiên lăn ra chết. Trường Phòng nghe anh kể xong bèn nói: những gia súc này đã gánh thay hoạn nạn của họ. Từ đó các nơi dần dần có tập tục lên núi cao uống rượu hoa cúc. Câu thơ “Vẫn hay huynh đệ lên cao đấy. Đều cắm thù du thiếu một người” của Vương Duy bắt nguồn từ đó.
Nói về tính vị của ngô thù du, ngày nay mọi người cho rằng, nó có vị cay, đắng, tính nhiệt, ít độc, quy về gan, tỳ, thận kinh. Ngô thù du vị cay có thể lưu thông hành khí, tính ôn có thể bổ trung ích khí, xung huyết mạch, cho nên có thể giảm đau hạ khí, giảm ho ôn phế, khai mở tấu lý, tiêu máu đông, trị hàn nhiệt…Trước đây, có một viên quan giữ chức Trung thừa tên là Thường Tử Chính. Ông này không thể ăn uống quá độ, mỗi lúc ăn nhiều hay thời tiết thay đổi, cứ 10 ngày bệnh lại phát 1 lần. Khi phát bệnh, ông thấy đau đầu, lạnh sống lưng, ợ ra nước chua, nằm trên giường nhiều ngày thì không thể dậy nổi, bèn chạy vạy mời thầy lang hỏi thuốc đều không được. Đầu năm Tuyên Hòa, ông đã làm đến chức Tư lộc Thuận Xương, được ngồi trên bàn tiệc cùng với Thái thú Sái Đạt Đạo và nhận được phương thuốc kết hợp dùng ngô thù du. Mỗi lúc ăn no, bụng trướng liền uống 50-70 viên. Từ đó bệnh không còn phát tác nữa.
Ngô thù du thường dùng để chữa bệnh đau đầu do quyết âm bệnh, đau lạnh bụng dưới và nôn ợ chua do hàn khí xâm nhập vào gan, đau bụng do kinh hàn gây ra tiêu chảy do dương khí suy sau thời kỳ kinh nguyệt gây ra. Ngoài ra, ngô thù du còn có công dụng trị hàn thấp chân khí, nghiền nhỏ trộn với giấm bôi bên ngoài lòng bàn chân sẽ có thể hạ hỏa tiêu viêm, có hiệu quả tốt trong việc chữa trị bệnh nhiệt miệng.
Đông y cho rằng, tấu lý là tổ chức mô giữa da và thớ thịt của da. Thớ thịt, phổi, là đầu mối để huyết dịch lưu thông, khi bị hàn sẽ làm tắc nghẽn mạch máu, từ đó hạ thấp công năng phòng tránh ngoại tà. Vì ngô thù du vị cay có thể ngăn tà, cho nên có công dụng bài tiết phong tà, hàn thấp ra khỏi cơ thể, đạt được hiệu quả “khai mở tấu lý”, trị liệu “hàn nhiệt” như trong cuốn Bản kinh đã trình bày. Y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh, trong ngô thù du có chứa 0.4% tinh dầu, thành phần có evoden, ocimene, evodin, evodol, idoevodiamine, rutaevin…, có tác dụng kiện vị, giảm đau và buồn nôn, hạ huyết áp và co thắt tử cung. Nhưng vì ngô thù du có vị cay lại khô nóng, dễ tổn khí sinh hỏa nên người bệnh không được dùng thuốc trong thời gian dài. Những người âm suy hữu nhiệt cũng không nên dùng.
Khái quát công dụng của Ngô thù du
– Trị đau đầu do quyết âm bệnh, đau lạnh bụng dưới và nôn ợ chua, đau bụng kinh hàn gây ra tiêu chảy do dương khí suy sau thời kì kinh nguyệt gây ra
– Có tác dụng hiệu quả trong việc chữa trị bệnh nhiệt miệng
– Có tác dụng kiện vị, giảm đau và buồn nôn, hạ huyết áp và co thắt tử cung.
– Trị hàn thấp chân khí
– Tiêu trừ phong thấp, tiêu tan máu đông, giúp da cơ được thư giãn.
Phương thuốc trị liệu của Ngô thù du (tham khảo)
Trị cảm lạnh vào mùa đông: lấy 15g ngô thù du nấu lấy nước uống, ra mồ hôi là được.
Trị lạnh bụng, miệng ợ chua: ngô thù du ngâm trong nước sôi 7 lần, lấy ra sấy khô, cho thêm gừng khô đã sao qua, mỗi loại một ít, mỗi lần uống 3g với canh nóng.
Trị kiết lỵ phân đỏ trắng: ngô thù du, hoàng liên, bạch thược dược, mỗi loại 31g. Hỗn hợp trên sao khô rồi nghiền nhỏ, cho thêm bột hồ nặn thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 20-30 viên với nước gạo.
Trị đau răng: nấu ngô thù du với rượu, sau đó ngậm và súc miệng là được.
Trị bệnh rubella ở người già và trẻ nhỏ: nấu ngô thù du với rượu bôi lên chỗ tổn thương.
Trị bệnh chịu rét lâu ngày, chán ăn: ngô thù du 12g, tiêu thạch 18g, gừng tươi 48g. Cho thêm 2l rượu vào hỗn hợp trên, cho thêm 2l nước nấu lấy 0.8l, mỗi lần dùng 400ml uống. Nếu uống thấy đỡ không cần uống thêm; sau khi uống mà thấy buồn nôn thì tiếp tục uống.