Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về cây cù mạch, từ công dụng, đến các bài thuốc sử dụng vị thuốc này.
Tìm hiểu chung
Tên khác: Cẩm chướng thơm, Cẩm nhung, Cự câu mạch, Đại lan…
Tên khoa học: Dianthus superbus L.
Bộ phận dùng: Dùng cả cây (hạt, hoa, lá). Hột nhỏ hình tròn cạnh dài, lúc chín rời rụng ra sắc đen, phẳng và dẹt giống như hột vừng đen.
Tính vị – Quy kinh
Vị đắng, tính hàn vào 2 kinh tâm và tiểu tràng.
Tác dụng của cù mạch
Thanh nhiệt lợi tiểu, phá huyết, thông kinh.
Dùng chữa bệnh lâm hậu, tiểu tiện không lợi, kinh nguyệt không đều, ung nhọt sưng tấy.
Sách Đại Minh nhật hoa chư gia bản thảo ghi: Cù mạch chuyên trị các chứng lậu, kinh nguyệt không thông, phá tan huyết đọng và hút mủ rất mau.
Sách Biệt Lục ghi: Cù mạch bổ khí cho thận, tiêu trừ tà khí cho bàng quang, khỏi đau hoắc loạn và tốt râu tóc.
Sách của Hoàng Cung Tú (Bản thảo cầu chân) ghi: Cồ mạch vị đắng, tính hàn chuyên tả tâm, lợi thuỷ cho nên lợi tiểu tiện, ra thai sản, tan màng mộng. Nhưng chỉ người nào khí huyết thuần dương mới nên dùng, còn người nào tâm kinh có nhiệt mà dùng nó thì không những nhiệt không trừ mà còn sinh bệnh khác nữa.
Kiêng kỵ
Người không thấp nhiệt và thai tiền, sản hậu đều kiêng dùng.
Bài thuốc chữa bệnh có cù mạch
1. Chữa thai chết lưu trong bụng hay chuyển dạ mấy ngày không đẻ được: Sắc nước cù mạch đặc cho uống.
2. Bài “Lập hiệu tán” dùng chữa nhiệt kết hạ tiệu, tiểu tiện ra máu hay đại tiện cũng ra máu: Cù mạch 40g, trích Cam thảo 30g, Sơn chỉ sao 30g, Hành để cả rễ 7 nhánh, Bấc 50 sợi, Gừng 5 miếng sắc uống nóng mỗi lần 3g.
3. Chữa dằm tre đâm vào thịt: Tán nhỏ cù mạch uống ngày 3 lần.
4. Chữa đi tiểu ra chất rắn như sỏi: Tán cù mạch uống với rượu ngày 3 lần, uống 3 ngày sẽ khỏi.
5. Chữa đau mắt đỏ sưng húp: Cù mạch sao vàng tán nhỏ hòa với dãi con ngan bôi vào kẽ mắt hoặc giã cù mạch đắp vào mắt.
6. Chữa hóc xương: Tán nhỏ cù mạch uống với nước lã ngày 2 lần thì xương ra.
Nguồn: Sách Thuốc Bắc thường dùng – NXB Y học