CHỈ THỰC
(Vị thuốc trung phẩm trong Thần nông bản thảo kinh)
Giải thích tên gọi Chỉ thực
Chỉ thực tức là quả chín phơi hay sấy khô của cây chỉ thực thuộc họ cam, quýt, lá nhỏ cây lớn, quả giống như quả quất. Quả của nó khi chín săn chắc lại cho nên mới gọi là chỉ thực. Loại này chủ yếu trồng ở các vùng Tứ Xuyên, Giang Tây, Chiết Giang và Phúc Kiến (Trung Quốc).
Đặc tính của chỉ thực
Chỉ thực vị đắng, tính hàn. Chủ trị chứng phong tà xâm nhập vào da thịt, xuất hiện mụn cơm gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Có thể tiêu trừ chứng phát sốt, sợ lạnh, tà khí tích tụ, cũng có thể ngừng kiết lỵ, tăng cường cơ bắp, điều hòa ngũ tạng, lợi khí, giúp thân thể nhẹ nhàng.
Chỉ thực và quýt có hình dáng bề ngoài tương tự nhau nên người xưa luôn coi hai cây đó là một. Có một câu nói làm bằng chứng như sau: “Ở Hoài Nam gọi là quýt, ở Hoài Bắc gọi là chỉ”. Vì sinh trưởng ở những khu vực không giống nhau, quýt có vị ngọt, chỉ có vị chát đắng, khó ăn. Do vậy, Bạch Cư Dị đã viết thơ rằng: “Vật giống nhau là vậy, thật giả biết làm sao”. Tuy chỉ thực không thể dùng để ăn, nhưng lại là một thảo dược trị bệnh có nhiều công dụng.
Chỉ thực vị đắng và cay, là một vị thuốc có tác dụng phá khí, tiêu trừ tích tụ, có thể trị các bệnh về dạ dày như: kiết lỵ, táo bón, ăn không tiêu, đồng thời còn có tác dụng tiêu đờm, trị các chứng tê buốt, khó chịu ở ngực. Dùng phối hợp với các vị thuốc bổ như đảng sâm, hoàng kỳ có thể trị chứng sa dạ dày, sa tử cung. Trong Bản kinh có đề cập đến cái gọi là “két hàn nhiệt” là do 2 luồng tà khí hàn, nhiệt tích tụ trong ruột gây nên. Chỉ thực vị đắng nên có thể trị chứng tiêu chảy. Đông y cho rằng, cơ bắp không phát triển là do chức năng của tỳ bị giảm sút gây ra. Chỉ thực vị đắng, tính hàn nên có thể thanh nhiệt, kiện tỳ, thúc đẩy chức năng sinh cơ. Ngoài ra, trong Bản kinh còn đề cập đến tác dụng “Ích khi khinh thông”, tức là dựa trên bản thân mình để tiêu trừ khí độc, lưu thông các luồng khí tốt.
Y học hiện đại cũng đã chứng minh, chỉ thực có tác dụng tăng huyết áp, hưng phấn tử cung, giảm mỡ máu, kháng dị ứng. Điều cần chú ý ở đây là, chỉ thực thường dụng ở liều lượng từ 3-10g, những người có thể trạng suy nhược và phụ nữ mang thai phải thận trọng khi dùng. Hơn nữa, do dược tính rất mạnh của dược liệu này nên khi dùng phải thận trọng.
Khái quát công dụng của Chỉ thực
Giải trừ chứng phát sốt, sợ lạnh, tà khí tích tụ, ngừng kiết lỵ, điều hoà ngũ tạng
Có tác dụng tiêu đờm, trị các chứng tê buốt, khó chịu ở ngực
Hoá đờm, trị tức ngực
Trị các chứng bệnh về dạ dày như: kiết lỵ, táo bón, ăn không tiêu
Giảm mỡ máu, kháng dị ứng
Phương thuốc trị liệu của chỉ thực (tham khảo)
Trị chứng tê buốt ở ngực: lấy chỉ thực giã nhỏ, dùng nước uống 1g. Ban ngày dùng 3 lần, đêm tối 1 lần.
Trị chứng đau bụng sau sinh: lấy chỉ thực (sao khô), thược dược (sao qua với rượu), mỗi loại 6g, đun lên lấy nước uống, cũng có thể nghiền nhỏ để dùng.
Trị đau bụng do tiêu chảy: lấy chỉ thực nướng qua, nghiền nhỏ, uống 1g, ban ngày dùng 3 lần, đêm tối 1 lần.
Trị chứng âm nang sưng đau ở nam giới: chỉ thực 250g, sao lên, giã nhỏ, dùng túi vải bao lại, đắp lên âm nang.
Trị đại tiện khó: chỉ thực, tạo giáp, 2 vị thuốc này lượng bằng nhau, nghiền nhỏ, trộn với cơm nặn thành viên dùng uống.
Trị đi ngoài ra máu: chỉ thực (sao khô), hoàng kỳ, mỗi loại 250g, nghiền nhỏ, mỗi lần dùng nước gạo uống 2g.
Trị nấm đầu ở trẻ nhỏ: lấy chỉ thực sao đến khi chuyển thành màu đen, dùng mỡ lợn hòa lẫn rồi bôi lên vùng da đầu.
Trị bệnh rubella: dùng chỉ thực nhúng qua giấm rồi nướng khi nhiệt độ thích hợp rồi chườm lên.
Nguồn: Thần Nông bản thảo kinh