SÒ BIỂN
(Vị thuốc trung phẩm trong Thần nông bản thảo kinh)
1. Giải thích tên gọi sò biển
Sò biển dùng làm thuốc là phần vỏ của con sò sống dưới biển, là loài động vật thân mềm thuộc họ sò. Nó có hình tròn, bên ngoài có màu vàng trắng, lớp vỏ có các đường vằn vòng tròn đồng tâm khít lại, rất cứng, hơi tanh. Chọn vỏ sạch sẽ, sáng bóng là tốt.
2. Đặc tính của Sò biển
Bản kinh có viết: Sò biển vị đắng, tính bình, chủ trị ho, khó thở, tâm trạng buồn phiền, kết khối rắn trong bụng, đau phần ngực.
Vỏ của sò biển tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, có thể quy về phế, thận kinh, có công hiệu làm mát phổi, tiêu những cục đờm đông. Tương truyền, ái phi của Tống Huy Tông không may mắc phải chứng bệnh hen suyễn có đờm. Lúc phát bệnh, bà không ngủ được, mặt sưng lên, vô cùng đau đớn. Huy Tông thấy tình cảnh đó trong lòng lo lắng bèn ra lệnh cho thái y Lý Phòng Ngự trong 3 ngày phải chữa khỏi bệnh. Lý Phòng Ngự lao tâm khổ tứ, kỳ hạn 3 ngày đã gần đến mà vẫn chưa có cách trị khỏi bệnh. Chẳng còn cách nào khác ông đành cùng vợ đợi đến ngày chịu tội. Đúng vào thời khắc tuyệt vọng cực độ bỗng nhiên nghe thấy có một người rao bán thuốc ho ngoài cổng ông bèn chạy ra mua 10 thang thuốc. Ngày thứ hai trong lòng thấp thỏm không yên, ông bèn đem thuốc vào cung.
Không ngờ, ái phi của Tống Huy Tông dùng xong đêm đó liền ngừng ho, sau mấy ngày mặt đã tiêu sưng. Huy Tông rất đỗi vui mừng ra lệnh trọng thưởng cho Lý Phòng Ngự. Dù đã bình an nhưng trong lòng ông vẫn chưa hết lo lắng, vì có thể hoàng thượng sẽ yêu cầu ông cung cấp phương thuốc trị bệnh, nếu không trả lời được sẽ mắc tội khi quân. Nghĩ vậy ông bèn mời người bán thuốc đến nhà, tiếp đãi thân tình hy vọng có thể mua được phương thuốc này. Kết quả là người bán thuốc chỉ cười xòa, thậm chí một phân tiền cũng không nhận và xin phép cáo từ. Thì ra phương thuốc chỉ là bột của con sò biển để trên vật bằng sành sao đỏ lên, sau đó đảo qua vài lần. Phương thuốc này được người đời sau gọi là “đại cáp tán” hoặc “thanh cáp tán”.
Vỏ của sò biển ngoài có thể trị ho còn có công dụng tán kết, làm mềm săn chắc. Có công hiệu đối với các khối u và chứng cổ kết hạch, tuyến giáp trạng sưng to. vỏ sò còn có tác dụng lợi tiểu, tiêu sưng, có thể trị phù thũng, cổ trướng, tiểu tiện không thông. Ngoài ra, vỏ sò sau khi sao qua có thể trị đau dạ dày do nhiều acid nghiền nhỏ bôi lên có thể thu nhỏ miệng vết thương, trộn với dầu bôi ngoài còn có tác dụng trị những vết thương do bỏng, bệnh eczema.
3. Khái quát công dụng của sò biển
– Vỏ sò có tác dụng tán kết, làm mém, sàn chắc, có thể trị các chứng cổ kết hạch, tuyến giáp trạng sưng to.
– Vỏ sò sau khi sao qua có thể trị đau dạ dày do nhiều acid, nghiền nhỏ vỏ bôi lên có thể thu nhỏ miệng vết thương, cho thêm dầu có thể trị các vết thương do bỏng, bệnh eczema.
– Chủ trị ho, khó thở, tâm trạng buồn phiền kết khối rắn trong bụng.
– Vỏ sò còn có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù thũng, cổ trướng, tiểu tiện không thuận.
4. Phương thuốc trị liệu của sò biển (tham khảo)
Trị phù thũng
Sò biển, hạch nhân, hán phòng kỷ, cùi táo, đình lịch, mỗi loại 62g. Các vị thuốc trên nghiền nhỏ, nặn thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 10 viên sẽ thấy hiệu quả nhanh chóng.
Trị bụng sưng đỏ, tứ chi khô yếu
Hải cáp hoàn: Sò biển (sao thành dạng bột), phòng kỷ, mỗi loại 23g, đình lịch, xích phục linh, vỏ cây dâu, mỗi loại 31g, tần bì, uất lý nhân, mỗi loại 15,6g. Các vị thuốc trên nghiền nhỏ, cho thêm mật ong nặn bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng nước gạo uống 50 viên, ngày 2 lần.
Trị nóng trong, kiết lỵ ra máu
Lấy 6g bột sò biển, thêm mật nước hòa vào, ngày uống 2 lần.
Trị thương hàn (toát mồ hôi không ngừng, chân tay co cứng, trúng phong)
Sò biển, xuyên ô đầu, mỗi loại 31g, xuyên sơn giáp 62g. Các vị thuốc trên nghiền nhỏ, thêm rượu nặn thành viên tròn, viên thật chặt lại để dưới lòng bàn chân, lấy hành tây bao ở ngoài. Ngâm chân trong nước nóng, mực nước đến đầu gối là tốt nhất, khi nước lạnh thì thay mới. Làm như vậy có công dụng toát mồ hôi toàn thân, 3 ngày thực hiện 1 lần.
Trị chảy máu mũi không ngừng
Bột vỏ sò 31g (sàng 7 lần), hoa hòe 15,6g (sao lên). Các vị thuốc trên nghiền nhỏ, khuấy đều, uống 3g cùng nước.
Nguồn: Thần Nông bản thảo kinh
- Cách xử lý bệnh táo bón ở trẻ em và người lớn bằng thảo dược
- Cây cảo bản – Tìm hiểu chung và những bài thuốc chữa bệnh
- Những lưu ý khi điều trị bệnh chảy máu cam tại nhà cho trẻ em
- Bệnh sởi có thể gây biếng ăn cho trẻ tương đối nghiêm trọng
- Hiện tượng chảy máu cam thường xuyên xuất hiện ở độ tuổi nào?