HẬU PHÁC
(Vị thuốc trung phẩm trong Thần nông bản thảo kinh)
Giải thích tên gọi Hậu phác
Hậu phác là loài thực vật thuộc họ mộc lan, là rễ hoặc vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây hậu phác. Cũng vì thế nó mới có tên là hậu phác, hậu bì. Cây này chủ yếu trồng ở các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Thiểm Tây (Trung Quốc). Loại có màu tím sáng bóng chất lượng tốt; còn loại mỏng, màu trắng thì không tốt.
Đặc tính của Hậu phác
Hậu phác vị đắng, tính ôn. Chủ trị những chứng đau đầu do trúng phong tà, thương hàn dẫn đến sốt, tâm lý hoang mang, lo lắng bất an, khí huyết không lưu thông dẫn đến trạng thái cơ bắp tê bì, không còn cảm giác, đồng thời còn có thể tiêu diệt ký sinh trùng.
Hậu phác vị đắng có thể hạ khí, vị cay có thể giải trừ tích tụ, tính ôn có tác dụng táo thấp, điều hòa hơi thở, tiêu trừ tích tụ. Trong Bản thảo hối ngôn có viết: “Hậu phác vị cay, đắng, khi quy về tỳ, vị, tính ôn, có thể hạ khí, là công năng chính của nó”. Hậu phác có thể tiêu trừ các chứng tích tụ như ăn không tiêu, đờm thấp, dùng để điều trị các chứng táo bón, nhiều đờm, hàn thấp, có thể tiêu khí, trừ hàn tích tụ trong cơ thể, vị hư hàn, ngực bụng đau trướng, hen suyễn. Trong lâm sàng hiện đại, hậu phác thường được dùng để trị các chứng ho, hen suyễn, khó thở, ngực bụng đau trướng, ăn không tiêu, kiết lỵ.
Đông y cho rằng, trúng phong, đau đầu là do tà khí xâm nhập vào gan, gan giao kết với mạch Đốc ở đỉnh đầu nên phong tà lại xâm nhập vào trong các mạch. Vì hậu phác nhập can kinh, có thể tán ôn, trừ phong tà nên có thể trị liệu được. Chứng sợ hãi, lo lắng là do khí nóng, lạnh, tim suy nhược, gan suy dẫn đến. Vì hậu phác tính ôn nên có thể bổ gan hư nhược, vì có vị đắng nên có thể thanh tâm hỏa. Ngoại cảm phong hàn có thể dẫn đến lúc nóng lúc lạnh, bệnh đau đầu, phong hàn thấp tà xâm nhập vào cơ thể khiến máu đông lại, dẫn đến cơ bắp tê bì. Hậu phác vị cay, nên có thể giải kết tụ, vị đắng có thể táo thấp, tính ôn nhiệt có thể tiêu trừ phong hàn nên đối với những chứng bệnh kể trên đều có công hiệu tốt. Vì hậu phác vị đắng nên có chức năng táo thấp, làm mất đi môi trường sống của ký sinh trùng vì vậy mà có khả năng tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, liệu pháp này không thường xuyên được sử dụng.
Phân tích về dược tính cho thấy, những thành phần hiệu quả trong hậu phác có tác dụng kháng khuẩn nhất định, khống chế vi khuẩn bạch hầu, phế cầu khuẩn, dùng với liều lượng phù hợp có thể tăng cường sức khỏe của cơ bắp và lợi đường ruột. Hậu phác còn có công hiệu hạ huyết áp. Tuy nhiên, liều lượng thường dùng của hậu phác là 3-10g, không dùng cho người cơ thể suy nhược và phụ nữ mang thai.
Khái quát công dụng của Hậu phác
– Điều trị những chứng ho, hen suyễn, khó thở, ngực bụng đau trướng, ăn không tiêu, kiết lỵ.
– Chủ trị chứng đau đầu do trúng phong tà thương hàn dẫn đến tâm lý hoang mang, khí huyết không lưu thông, cơ bắp tê bì, không còn cảm giác
– Diệt các loại ký sinh trùng
– Tiêu trừ đờm thấp, trị chứng táo bón, nhiều đờm hàn thấp
– Có tác dụng kháng khuẩn, dùng liều lượng phù hợp có thể tăng cường sức khoẻ của cơ bắp và đường ruột, hạ huyết áp
Phương thuốc trị liệu của hậu phác (tham khảo)
Trị tỳ vị suy nhược, tổn thương: Hậu phác tiễn hoàn: hậu phác (bỏ vỏ, cắt miếng), gừng tươi (bỏ vỏ, cắt lát), mỗi loại 1000g. Các vị thuốc trên nấu trong 5l nước, đun đến khi khô cạn, bỏ gừng, sấy khô hậu phác. Lại lấy 125g gừng khô, 62g cam thảo, nấu cùng hậu phác trong 5l nước đến khi cô đặc, bỏ cam thảo, sao gừng. Hậu phác còn lại thêm nhân táo, gừng tươi cùng đun sôi lên, bỏ gừng, đem nhân táo, mạt thuốc giã nhỏ, nặn thành viên bằng hạt ngô, mỗi lần dùng nước gạo uống 50 viên. Trong phương thuốc có thể cho thêm phụ tử.
Trị chứng đau bụng, bụng trướng: Hậu phác thất vật thang: dùng hậu phác (nướng) 250g, cam thảo, đại hoàng, mỗi loại 93g, táo 10 cành, chỉ thực 5 quả, gừng tươi 156g. Các vị thuốc trên đun với 10l nước, đun đến khi còn 4l nước, mỗi lần dùng 800ml nước uống khi còn ấm, mỗi ngày dùng 3 lần.
Trị trướng khí bứt rứt, ăn không ngon, lâu ngày không khỏi: Hậu phác thang: hậu phác sau với gừng tươi rồi nghiền thành bột. Mỗi lần dùng nước gạo uống 2 thìa, mỗi ngày 3 lần.
Trị đau bụng do rối loạn tiêu hóa: hậu phác nướng 125g, quế tâm, gừng tươi, mỗi loại 62g, chỉ thực 5 quả. Các vị thuốc trên đun trong 6l nước, còn 2l, phân ra dùng 3 lần.
Trị kiết lỵ lâu ngày: hậu phác, hoàng liên, mỗi loại 93g. Các vị thuốc trên đun với 3l nước, còn 1l, dùng lúc đói bụng.
Trị đại tràng khô rát: lấy hậu phác (tươi, nghiền), tạng lợn (đun chín, giã nát) trộn đều nặn thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng nước gừng tươi uống 30 viên.
Trị chứng nước tiểu đục: hậu phác (chấm nước gừng rồi nướng) 31g, bạch phục linh 3g. Các vị thuốc trên thêm nước, rượu mỗi loại 240ml, dùng khi còn ấm.
Trị kinh nguyệt không đều: 93g hậu phác nướng qua, nghiền nhỏ, thêm 3l nước nấu còn 1l, phân ra dùng 2 lần lúc bụng đói, sau 3-4 lần dùng thuốc có thể thấy công hiệu.
Nguồn: Thần Nông bản thảo kinh