TẦN BÌ
(Vị thuốc trung phẩm trong Thần nông bản thảo kinh)
Giải thích tên gọi Tần bì
Tần bì là phần vỏ thân của loài thực vật thuốc họ mộc tê (hoa mộc), lá nhỏ, có lông, sinh trưởng chủ yếu ở các vùng Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Ninh Hạ, Vân Nam, Quý Châu, Hà Bắc (Trung Quốc). Thời gian thu hoạch vào 2 mùa xuân, thu, phơi khô để dùng.
Đặc tính của Tần bì
Tần bì vị đắng, tính hàn nhẹ. Chủ trị bệnh tê thấp chân do phong hàn, có thể thanh nhiệt, tiêu trừ những màng trắng và dử xuất hiện trong mắt.
Hiện nay, người ta thường cho rằng, tần bì vị đắng, chát, tính hàn, quy về can, đảm, đại tràng kinh. Vì vị đắng, tính hàn nên tần bì có thể hạ hỏa nhanh. Vị chát có thể thu liễm, tiêu trừ phong hàn, thanh nhiệt, táo thấp, điều trị các tổn thương trên cơ thể, trị mắt đỏ sưng đau do tà khí tích tụ dẫn đến nhìn sự vật không rõ.
Bản kinh có đề cập đến tác dụng trị “Trong mắt có dử, màng trắng” chính là tương đồng với điều này. Tần bì còn có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, làm se đường ruột, có cộng hiệu đặc biệt đối với bệnh kiết lỵ do thấp nhiệt tạo ra. Đồng thời nó còn có thể trị chứng run rẩy, sợ hãi do cơ thể sợ lạnh. Ngoài ra trong Bản thảo cương mục còn ghi chép: vì tần bì có tác dụng thu liễm nên có thể điều trị kiết lỵ, xuất huyết tử cung, chứng ít tinh trùng ở nam giới, tăng cường khả năng tình dục. Còn trong Bản kinh đề cập đến công dụng: “Dùng lâu tóc không bạc, thân thể nhẹ nhàng”, đó chỉ là quan điểm của người xưa, đến nay chưa tìm ra những căn cứ khoa học để chứng minh điều này.
Những phân tích dược tính của y học hiện đại cho thấy, tần bì có những thành phần có tác dụng tiêu đờm, ức chế hiệu quả đối với chứng viêm khớp, thúc đẩy quá trình bài tiết nước tiểu, có tác dụng ức chế tâm tạng, hạ bớt tính nhu động của đường ruột. Ngoài ra, liều lượng thường dùng của tần bì là 3-10g, nếu dùng để rửa mắt phải dùng với liều lượng thích hợp.
Khái quát công dụng tần bì
– Tiêu trừ các chứng phong hàn, thanh nhiệt, táo thấp, điều trị các tổn thương trên cơ thể do tà khí gây ra, mắt đỏ sưng đau do tà khí tích tụ gây ra, nhìn sự vật không rõ.
– Thanh nhiệt, táo thấp, se đường ruột, có thể điều trị chứng run rẩy, sợ hãi do cơ thể sợ lạnh.
– Có tác dụng thu liễm, điều trị kiết lỵ, giới, tăng cường khả năng tình dục.
– Ức chế hiệu quả đối với chứng viêm khớp, thúc đẩy quá trình bài tiết nước tiểu, có tác dụng ức chế tâm tạng, giảm bớt tính nhu động.
Phương thuốc trị liệu của Tần Bì (tham khảo)
Trị sưng mắt đỏ, sưng dử: tần bì 31g, dùng 1.5l nước nấu còn 700ml, lọc lấy phần nước trong, dùng trong khi ấm. Cũng có thể thêm hoạt thạch, hoàng liên.
Trị mắt đỏ, vết thương trên mắt: tần bì 31g, nước sạch 1l, ngâm chung trong bát trắng. Vào mùa xuân, thu thời gian ngâm đến khi thấy có màu xanh bích dùng đầu đũa quấn bông, nằm ngửa bỏ vào mắt. Mỗi lần dùng 10 lần trở lên, trong vòng 2 ngày bệnh sẽ thuyên giảm.
Trị kiết lỵ ra máu nhiều năm: tần bì, cỏ đuôi chuột, rễ tường vi, mỗi loại một lượng phù hợp. Dùng nước cho vào nồi đồng đun thành dạng cao, nặn thành viên. Mỗi lần dùng 5-6 viên khi bụng đói, mỗi ngày 2 lần, có thể thêm liều lượng, cũng có thể đun lấy nước dùng.
Trị vết độc sưng thiên xà: thiên xà là loại hoa sống ở giữa các bụi cỏ. Nếu bị nó cứa phải, lại bị thấp tà của nước sương sâm phạm sẽ hình thành bệnh này. Chuẩn bị 10l nước tần bì, uống dần đến hết sẽ thấy hiệu quả.
Nguồn: Thần Nông bản thảo kinh