CÁT CÁNH
(Vị thuốc hạ phẩm trong Thần nông bản thảo kinh)
Giải thích tên gọi cát cánh
Cát cánh là rẽ sao khô của cây cát cánh, loài thực vật thuộc họ cát cánh. Vì hoa của nó to và đẹp, nên được trồng nhiều trong công viên và sân để thưởng ngoạn. Thân cây cao khoảng 40-50cm, bên trong có chất nhựa màu trắng, nở hoa vào khoảng tháng 7 – 9, kết quả vào khoảng tháng 8 – 10.
Đặc tính của cát cánh.
Cát cánh vị cay, tính hơi ôn. Chủ trị ngực và xương sườn đau như dao cắt, bụng trướng, bụng sôi, trị chứng sợ hãi.
Hiện nay, người ta thường cho răng, cát cánh vị cay, đắng, tính bình, quy về phế kinh. Vì cay cho nên có thế tán hàn hành khí, đắng có thể thanh nhiệt giáng hỏa, vào phổi giúp cho việc tiêu tán thực khí ở phổi, cho nên có tác dụng thanh lọc phổi, tiêu trừ đờm, tốt cho họng, giải độc, bài trừ mụn nhọt có mủ, có thể trị các chứng bệnh ho do phong nhiệt, phong hàn, họng đau, mất tiếng, đờm nhiều… cũng có hiệu quả trị liệu rất tốt đối với chứng phổi kết hạch, ung nhọt, phù thũng… Khí ở phổi không được thoát ra ngoài sẽ làm cho sự điều hòa khí gặp trở ngại, khiến cho kinh mạch tắc nghẽn không lưu thông, khí huyết ứ trệ, gây ra đờm nhiều, từ đó gây ra những chứng bệnh “ngực và xương sườn đau như dao cắt mà trong sách Bản kinh có đề cập tới. Cát cánh vị cay có thể phát tán, tính ôn có thể giúp lưu thông khí huyết, cho nên có tác dụng tán hàn và lưu thông kinh mạch, trị đau, cũng có thể tiêu đờm, đờm sau khi được trừ, ngực và xương sườn tự nhiên sẽ hết đau.
Trong sách Bản thảo cương mục có ghi: “Cát cánh còn có lợi cho ngũ tạng tràng vị, bổ khí huyết, trừ phong tê thấp do hàn nhiệt, giúp ôn trung, chữa họng đau, trừ độc, trị bệnh kiết lỵ, chữa tắc mũi, buồn nôn do lạnh, miệng lưỡi lở loét, mắt đỏ sưng đau”.
Dược lý học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh rằng, cát cánh có chứa nhiều thành phần các chất có lợi như: Polygalain acid, platycodigenin, alpha- spinasterol, glucoside, stigmasterol, betulin, platycodonin có tác dụng tiêu viêm, giải nhiệt, trị ho, tiêu đờm, chống dị ứng, dứt cơn đau… Nhưng, cát cánh có độc, hơn nữa lại có tác dụng tán huyết nên không được dùng để tiêm.
Khái quát công dụng của Cát cánh
– Trị các chứng bệnh do phong nhiệt, phong hàn, họng đau, mất tiếng, đờm nhiều… cũng có hiệu quả trị liệu rất tốt đối với chứng phổi kết hạch, ung nhọt, phù thũng…
– Có tác dụng tiêu viêm, giải nhiệt, trị ho, tiêu đờm, chống dị ứng, giảm đau.
– Chủ trị ngực và xương sườn đau như dao cắt, bụng trướng đầy, bụng sôi, chứng sợ hãi…
Phương thuốc trị liệu của Cát cánh (tham khảo)
Trị chứng tức ngực trướng nhưng không đau
Lấy cát cánh, chỉ xác, mỗi loại một phần. Các loại thuốc trên sắc với 240ml nước, lấy 120ml, uống nóng.
Trị chứng bụng trướng do thương hàn
Lấy cát cánh, bán hạ, tần bì, mỗi loại 9g, gừng 5 miếng, sắc các loại thuốc trên với 240ml nước, lấy 120ml thuốc, uống nóng.
Trị phổi kết hạch, ho
Lấy 31g cát cánh, 62g cam thảo, sắc các loại thuốc trên với 3 lít nước, lấy 1 lít, uống nóng, đến khi nôn ra máu mủ là khỏi.
Trị họng tê
Lấy 62g cát cánh, sắc với 3 lít nước lấy 1 lít thuốc, uống 1 lần.
Trị họng đau, miệng lưỡi lở loét
Đầu tiên uống nước cam thảo, nếu không khỏi thì uống nước cát cánh.
Trị răng sưng đau
Lấy cát cánh, ý dĩ, mỗi loại một phần tán nhỏ, xát vào răng.
Trị răng lợi sưng đau
Lấy cát cánh tán nhỏ, trộn với táo bỏ hạt nặn thành viên bằng hạt bồ kết, lấy bông bọc lại, ngậm thêm với nước kinh giới.
Trị cam răng
Lấy cát cánh, hồi hương, mỗi loại một phần, sao qua rồi tán nhỏ bôi vào chân răng.
Chữa đau mắt tối sầm
Lấy 500g cát cánh, 93g hắc khiên ngưu. Các loại thuốc trên tán nhỏ, thêm mật ong trộn đều nặn thành viên bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng 40 viên với nước nóng. Mỗi ngày 2 lần.
Chữa chứng chảy máu cam, nôn ra máu
Lấy cát cánh tán nhỏ, thêm nước vào trộn đều. Mỗi lần dùng 1,4g, mỗi ngày 4 lần. Có thể dùng thêm với sừng tê giác cũng được.
Trị ứ huyết do bị thương
Lấy cát cánh tán nhỏ. Mỗi lần dùng một ít với nước gạo.
Nguồn: Thần Nông bản thảo kinh