Hiện tượng chảy máu cam ở trẻ em đã không còn xa lạ với những gia đình có con nhỏ. Trong nhiều trường hợp bé bị chảy máu cam thì bố mẹ có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì không những bạn không giúp trẻ cầm máu mà còn gây nguy hiểm cho bé. Vậy những lưu ý khi chữa chảy máu cam cho trẻ em tại nhà là gì?
Bệnh chảy máu cam là gì?
Chảy máu cam hay còn được gọi là chảy máu mũi. Hiện tượng này xuất hiện khi các niêm mạc mũi bị tổn thương do đường mũi bị xuất huyết. Chảy máu cam thường hay xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là vào mùa đông. Thông thường khi gặp phải triệu chứng này đều không nguy hiểm, chúng ta có thể tự xử lý tại nhà bằng cách sơ cứu đơn giản.
Nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam
Theo các chuyên gia sức khỏe cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh chảy máu cam. Nhất là trẻ em có các mạch máu nhạy cảm và mong manh cho nên chúng có thể dễ vỡ nếu thời tiết quá hanh khô và lạnh. Ngoài ra, sau đây là một số tác nhân dẫn đến hiện tượng chảy máu mũi ở trẻ nhỏ:
- Thời tiết lạnh và khô.
- Có sự va đập vào vùng mũi khi trẻ chơi đùa.
- Trẻ dùng tay móc mũi, ngoáy vào bên trong mũi.
- Trẻ nhét các dị vật vào trong mũi.
- Trẻ xì mũi hoặc hắt hơi mạnh và liên tục.
- Đứng dưới ánh nắng mặt trời quá lâu cũng là nguyên nhân dẫn đến chảy máu cam.
- Trẻ bị thiếu hụt vitamin C hoặc bị viêm mạch máu.
Trẻ cho tay vào mũi cũng là tác nhân dẫn đến chảy máu cam
Lưu ý khi điều trị chảy máu cam cho trẻ em tại nhà
Nhiều người cảm thấy bình thường khi bé nhà mình chảy máu mũi. Thế nhưng, cũng không ít bố mẹ cảm thấy lo lắng vì sợ cách mà họ sơ cứu cho bé sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vậy để giúp bé cầm máu và đảm bảo an toàn nhất khi gặp triệu chứng này thì các bậc phụ huynh cần lưu ý những gì?
Không ngửa cổ trẻ lên khi bị chảy máu cam
Một số cha mẹ có suy nghĩ khi trẻ chảy máu cam chỉ cần ngửa cổ trẻ lên là sẽ giảm triệu chứng này. Đây thực sự là một phương pháp sai lầm và vô cùng nguy hiểm. Bởi nếu lúc này ngửa cổ lên thì máu sẽ chảy ngược vào trong. Điều này không những không làm giảm lượng máu chảy mà còn có thể khiến bé bị ngạt thở hoặc bị sặc.
Ngửa cổ trẻ lên khi bị chảy máu cam là vô cùng nguy hiểm
Xử lý ngay lập tức khi thấy trẻ bị chảy máu cam
Phụ huynh cần can thiệp ngay lập tức khi phát hiện bé bị bệnh chảy máu cam. Hãy thực hiện theo các bước sau để đảm bảo xử lý chảy máu mũi cho trẻ nhanh và an toàn nhất:
- Bước 1: Dùng giấy lau lượng máu đã bị chảy ra ngoài ở hai mũi. Sau đó cho trẻ cúi đầu xuống để xác định máu chảy ra từ bên mũi nào?
- Bước 2: Dùng ngón tay trỏ ấn vào cánh mũi và vị trí vách ngăn của mũi trong khoảng 3 – 5 phút để cho máu ngừng chảy.
- Bước 3: Sau khi máu không chảy nữa thì phụ huynh vệ sinh mũi cho trẻ bằng cách lau phía bên ngoài mũi và cho bé nằm nghỉ ngơi. Lưu ý, cha mẹ nên cho bé nằm nghiêng, không nằm sấp.
Chỉ với cách trên là bạn đã có thể giúp trẻ cầm máu một cách an toàn. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý trường hợp trẻ liên tục chảy máu cam trong một khoảng thời gian ngắn thì hãy đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra. Đặc biệt, khi đã áp dụng cách trên mà máu vẫn chảy thì ngay lập tức đưa bé đến gặp bác sĩ để cầm máu kịp thời.
Trên đây là toàn bộ thông tin về những lưu ý khi điều trị chảy máu cam tại nhà cho trẻ em. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm bí quyết chữa bệnh chảy máu cam an toàn cho bé yêu.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Hãy tham khảo thêm ý kiến của y, bác sĩ hoặc người có chuyên môn.