Trẻ bị nôn trớ
Đối với trẻ dưới 4 tuổi, khi trẻ bị nôn trớ có thể do trương lực cơ của thực quản – dạ dày trẻ còn yếu, chưa đủ sức co bóp để đẩy thức ăn vào ruột nên dễ nôn; có thể do trẻ bị viêm mũi, viêm VA, do trẻ không biết cách xì mũi nên các chất dịch tiết ở mũi – VA chảy xuống họng gây nôn; có trẻ do bị ép ăn những thức ăn không thích nên phản ứng bằng cách ọc thức ăn ra ngoài. Ngoài ra, khi trẻ ăn quá no, nô nghịch hay khóc cười quá mức cũng có thể làm trẻ bị nôn sau khi ăn.
Để khắc phục tình trạng này, các bà mẹ có thể làm theo những gợi ý sau:
Đối với trẻ bú mẹ
– Khi cho trẻ bú, cần để bé ngậm sâu vào quầng vú.
– Vỗ cho bé ợ hết không khí sau mỗi lần bú bằng cách bế trẻ thẳng đứng, bụng ép vào ngực mẹ, đầu kề vai mẹ. Sau đó, vỗ vào lưng trẻ cho tới nghe thấy tiếng ợ lớn.
Cần kiên trì vỗ cho tới khi con ợ được một tiếng, nhiều khi phải mất tới 5-7 phút. Lúc ợ, bé có thể trớ ra một chút sữa, vì vậy đừng quên lót sẵn ở vai mình một chiếc khăn nhỏ để khỏi ướt áo.
Cách vỗ lưng cho trẻ ợ hơi
– Giữ bé ở tư thế thẳng đứng hoặc nằm đầu cao trong khoảng 15-20 phút, tránh thay đổi tư thế đột ngột. Trên thực tế, không ít trẻ cần được bế tới 30 phút sau khi ăn để không bị nôn, trớ.
– Nên cho bú bên trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng bên phải). Sau đó, chuyển bé sang bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược.
– Không nên cho bé bú quá lâu, trung bình 10 phút cho vú thứ nhất và 20 phút cho vú thứ hai, bú trên 30 phút không có lợi cho bé (nuốt hơi, mệt, rối loạn thèm bú/nghiền vú, chênh lệch thời gian bú).
Đối với trẻ đã ăn dặm
Không ép bé ăn nhiều. Chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết. Thời gian tối thiểu giữa hai lần ăn là 2h, tối đa là 4-5h (nhu cầu thay đổi ở từng bé và trên cùng một bé cũng ở mỗi ngày). Ăn nhiều bữa cũng là phương pháp chống nôn trớ hiệu quả.
Không ép bé ăn nhiều, chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ sẽ giảm nôn trớ hiệu quả
Có thể cho bé uống thêm kẽm, vì thiếu kẽm cũng là nguyên nhân nôn trớ và biếng ăn của trẻ.
Hiện tượng nôn trớ ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân, nếu làm theo các cách trên mà vẫn không cải thiện được tình trạng nôn trở ở trẻ thì mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân điều trị tránh cho trẻ tình trạng suy dinh dưỡng hay viêm mũi họng do nôn trớ kéo dài.
Theo: dinhduong.com.vn